Hình ảnh hoạt động
Lễ Tưởng niệm – Húy nhật Đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán tại Tổ đình Thiền Tôn
Cập nhật ngày: 03/01/2024 12:00:00
Sáng 02/1/2024 (21.11 Quý Mão) tại Tổ đình Thiền Tôn (phường An Tây, thành phố Huế) đã trang nghiêm diễn ra Lễ Tưởng niệm – Húy nhật Đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán.
Lễ Tưởng niệm – Húy nhật Đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán tại Tổ đình Thiền Tôn

Tham dự và cử hành các nghi lễ có HT.Thích Quang Nhuận, Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh TT.Huế; chư Tôn đức HĐCM, HĐTS GHPGVN trú xứ Thừa Thiên Huế; chư Tôn đức Chứng minh GHPGVN tỉnh; chư Tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; chư Tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện; chư Tôn đức các Tổ đình, tự viện, Niệm Phật đường cùng đạo hữu Phật tử các giới.

HT.Thích Quang Nhuận niêm hương, cử hành lễ Cúng Ngọ

Tại Bảo điện Tổ đình Thiền Tôn, HT.Thích Quang Nhuận đã niêm hương cầu nguyện, chư Tôn đức Ban Kinh sư cử hành lễ cúng Ngọ. Sau thời kinh cúng Ngọ, HT.Thích Giác Đạo, UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Pháp chế GHPGVN tỉnh TT.Huế cùng chư Tôn đức Ban Kinh sư cử hành lễ Cung tiến Giác linh.

HT.Thích Giác Đạo và chư Tôn đức Ban Kinh sư cử hành Nghi lễ Cung tiến Giác linh

Tiểu sử Đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán:

Đức Tổ sư họ Lê, húy Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán, sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi (1667) tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nay là xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

I. Thân thế:

Ngài xuất thân từ một gia đình nghèo khó, 6 tuổi mẹ mất, ở với phụ thân, năm 12 tuổi (1678), ngài phát tâm xuất gia tu hành, được thân phụ đưa ngài đến chùa Hội Tôn, thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên (người Hoa) được 7 năm thì Hòa thượng viên tịch.

Tuổi đời còn nhỏ, tuổi đạo chưa cao, với quyết tâm cầu đạo, ngài không quản ngại gian lao tầm đường ra đất Thuận Hóa đến núi Hàm Long chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) cầu học với Giác Phong lão tổ (người Hoa), đó là năm Canh Ngọ (1690).

II. Hoạt động phật sự:

Vừa tròn 1 năm, đến năm Tân Mùi (1691), ngài phải bái biệt Giác Phong lão tổ để trở về quê hương phụng dưỡng cha già đau yếu. Hàng ngày, ngài phải lên núi đốn củi đem về chợ đổi gạo nuôi cha, chạy thầy, lo thuốc, chăm sóc phụ thân được 4 năm thì thân phụ qua đời.

Năm Ất Hợi (1695), ngài trở ra Thuận Hóa để tiếp tục việc tu học, cùng trong năm này ngài thọ Sa-di giới với Hòa thượng Thạch Liêm (người Hoa).

Năm Đinh Sửu (1697), ngài thọ Đại giới với Hòa thượng Từ Lâm (người Hoa).

Năm Kỷ Mão (1699), ngài bắt đầu cuộc hành trình tham vấn cầu đạo khắp các thiền lâm, chịu bao nhiêu điều khó khăn đạm bạc. Đến năm Nhâm Ngọ (1702), ngài đến núi Long Sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) bái yết Tử Dung Hòa thượng cầu dạy pháp tham thiền.

Đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), Ngài trở ra Long Sơn cầu Hòa thượng Tử Dung ấn chứng.

Sau đó, ngài Liễu Quán vào núi Thiên Thai lập am tu thiền. Hằng ngày Tổ sống khắc khổ, đạm bạc bằng vật thực mọc ở ven hồ chẳng cần lương thực gì khác.

Trú xứ hóa duyên của ngài rất rộng, ngài thường xuyên ra vào Huế, Phú Yên để hóa đạo. Từ năm Canh Dần (1710) đến năm Tân Sửu (1721), Tổ đã chống tích trượng đi khắp nẻo làng quê của đất Phú Yên từ hòn Mõ, ra tận hòn Chuông để hoằng hóa chánh pháp, tiếp Tăng độ chúng, khai lập chùa chiền. Tổ đã khai sơn chùa Bảo Tịnh tại Tuy Hòa.

Đến năm Nhâm Dần (1722), ngài trở ra Huế cùng với vị đệ tử út tên là Tế Vĩ trụ tại Thiên Thai Huyền Tôn tự tiếp tục việc hoằng hóa ở đất Thần kinh.

Năm Quý Sửu (1733), năm Giáp Dần (1734) và năm Ất Mão (1735), ngài được sự thỉnh cầu của các tông môn ở Huế, chứng minh các Đại giới đàn tại đây.

Năm Canh Thân (1740), ngài tấn đàn Long Hoa phóng giới cho đàn hậu tấn. Thời ấy chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) rất mến đạo hạnh của ngài nên thường đến chùa Viên Thông đàm đạo và thỉnh ngài vào cung để bàn luận Phật pháp nhưng ngài từ chối khéo không vào.

Mùa Xuân năm Nhâm Tuất (1740), ngài làm Hòa thượng Đàn đầu cho Đại giới đàn tại chùa Viên Thông.

III. Thời kỳ viên tịch:

Sáng ngày 22/11 Nhâm Tuất (1742), ngài vẫn dùng trà và đàm đạo cùng các đồ đệ. Đến quá trưa, Ngài hỏi mấy giờ. Các đồ đệ thưa: Giờ Mùi, sau khi dạy đệ tử vài điều, ngài an nhiên thị tịch, thọ 76 tuổi.

Nhục thân Tổ Liễu Quán an trí tại bảo tháp tổ đình Thuyền Tôn, trên núi Thiên Thai, Huế (nay là phường An Tây, thành phố Huế). Ngôi bảo tháp được chúa Nguyễn Sắc làm bia và xây dựng kiên cố, trải qua thời gian hơn hai thế kỷ mà vẫn giữ vẻ uy nghiêm mỹ lệ.

Trước khi ngài viên tịch, ngài phú pháp cho hàng đệ tử và truyền kệ như sau:

“Thiệt tế đại đạo,

Tánh hải thanh trừng,

Tâm nguyên quảng nhuận,

Đức bổn từ phong,

Giới định phước tuệ,

Thể dụng viên thông,

Vĩnh siêu trí quả,

Mật khế thành công,

Truyền trì diệu lý,

Diễn xướng chánh tông,

Hành giải tương ưng,

Đạt ngộ chơn không.”  

Tổ sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù và linh động, có một nền móng vững chắc ở đàng trong (tức là từ Thanh hóa trở vào). Trước khi Tổ Liễu Quán xuất hiện, thiền phái Lâm Tế ảnh hưởng của Trung quốc (vì có ngài Nguyên Thiều, ngài Thạch Liêm, ngài Tử Dung, v.v..). Chính Tổ Liễu Quán đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ, v.v…

Ngài có bốn vị đệ tử lớn: Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu.

(Từ Chiếu, húy Tế Căn. Khai sơn chùa Hồ Sơn, Tuy Hòa, Phú Yên)

Bốn ngài này đã tạo lập bốn trung tâm hoằng dương chánh pháp lớn lao khắp đó đây ở đàng Trong. Và, từ thế kỷ thứ 18 trở về sau này nghiễm nhiên với danh xưng Thiền Phái Liễu Quán.

Một số hình ảnh ghi nhận được:

Phòng Thông tin Truyền thông Học viện
:
Trang chủLiên hệ