Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Định hướng và phát triển
: 06/05/2017 12:00:00
Bài phát biểu của Hòa thượng Thích Chơn Thiện – Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương tại Hội thảo về Giáo dục Phật giáo do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương tổ chức vào ngày 09/05/2012.
HT.TS Thích Chơn Thiện
Kính bạch….
Kính thưa….
Kính thưa Chư liệt vị,
 
Hôm nay, 09-5-2012, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo về Giáo dục Phật giáo. Trước hết, thay mặt Ban, chúng tôi xin chân thành gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến chư Tôn Thiền đức, quý vị khách quý, chư vị Học giả, Giáo sư, chư vị Thiện tri thức và chư vị đại diện ngành Giáo dục Tăng Ni. Tôi không quên bày tỏ lòng biết ơn đến Chư liệt vị đã bỏ thời giờ đến tham dự buổi Hội thảo rất quan trọng này đối với ngành Giáo dục Tăng Ni.
Đề tài của Hội thảo mang một phạm vi thảo luận rộng rãi trong khi hoạt động hiện nay của Ban chỉ trong phạm vi Giáo dục Tăng Ni. Dĩ nhiên, trong quá trình giáo dục và đào tạo Tăng Ni, các cơ sở giáo dục Phật giáo phải áp dụng tất cả lý thuyết, phương pháp, biện pháp về giáo dục và giáo dục Phật giáo. Vấn đề là áp dụng trong chừng mức nào khả dĩ, trong khi Phật giáo Việt Nam chưa có trường dạy cho sinh viên học sinh như các trường Bồ Đề hay Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975 và các Đại học ngành Xã hội Nhân văn chưa có chương trình dạy Phật học, chưa có khoa Phật học chuyên biệt. Ngành Giáo dục Tăng Ni còn rất nhiều việc cụ thể trước mắt phải làm và chúng ta nên bàn đến những kế hoạch cụ thể hơn là đặt vấn đề quá xa vời như Cải cách Giáo dục Phật giáo Việt Nam trong khi chúng ta chưa thể hiện được hay chưa thực sự có nền Giáo dục Phật giáo. Kế hoạch trọng tâm trước mắt của ngành Giáo dục Tăng Ni hiện nay là thực hiện thống nhất chương trình giảng dạy của từng cấp học đối với tất cả các cơ sở giáo dục Tăng Ni hiện tại, bao gồm số môn học, số giờ học dành cho mỗi môn. Đồng thời, một điều hết sức quan trọng là không ngừng nâng cao hiệu năng dạy và học.
Như vậy, hội thảo hôm nay gồm một số nội dung tổng quát về Giáo dục Phật giáo và một số điểm cụ thể về ngành Giáo dục Tăng Ni hiện tại. Phần thứ nhất của nội dung sẽ soi sáng và gợi ý cho phần thứ hai. Phần thứ hai là phần mà sau cuộc hội thảo này, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương sẽ họp để tổng kết hội thảo, thu nhận ý kiến, rút ưu khuyết điểm trong các hoạt động của thời gian qua và lập kế hoạch cho các hoạt động sắp đến.
Chúng tôi tin rằng sẽ được nghe những tham luận, những phát biểu quý báu của chư Tôn Thiền đức, chư vị Giáo sư, Học giả, chuyên gia về giáo dục Phật giáo và giáo dục Tăng Ni. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu một Phật sự quan trọng, cũng là kế hoạch trước mắt, rất cần thiết để ổn định và phát triển ngành: sự đồng nhất trong chương trình giảng dạy, bao gồm cả vấn đề về sách giáo khoa.
Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương trong hai năm qua đã họp tại TP.HCM, Huế, và Hà Nội để bàn về Phật sự này. Chúng tôi đã đề ra được chương trình giảng dạy cho từng năm học của Trung cấp Phật học, bao gồm số môn học, số tiết học cho mỗi môn, đồng thời cũng có đề cương cho việc thống nhất chương trình giảng dạy tại các Học viện Phật giáo. Dĩ nhiên, trọng tâm là nhắm vào chương trình Trung cấp Phật học mà hiện nay chúng tôi xem là cơ sở căn bản cho việc ổn định và phát triển hoạt động của Ban Giáo dục Tăng Ni. Chúng tôi cũng đã gửi các văn bản đến các Ban Giáo dục Tăng Ni ở các Tỉnh, Thành để đề nghị góp ý. Các văn thư phúc đáp cũng không nhiều. Chúng tôi mong trong cuộc họp hôm sau sẽ tiến đến sự nhất trí về chương trình giảng dạy ở Trung cấp Phật học. Điều cần nói ở đây là một số ý kiến đóng góp về môn học và tiết học có đề nghị rằng cần tăng thêm một số môn và tăng tiết học cho từng môn, sao cho số tiết học dành cho mỗi tuần là từ 30 tiết đến 40 tiết. Chúng ta cũng cần nhớ là khá nhiều Tăng Ni sinh theo học Trung cấp Phật học cần có thì giờ để học theo chương trình Trung học Phổ thông của Nhà nước, cần có thì giờ nghiên cứu kinh sách, và có một số môn Phật học chưa thực sự cần thiết lắm đối với quý vị ấy.
Sự thống nhất trong giảng dạy cũng đặt nặng vấn đề đồng bộ trong việc sử dụng sách giáo khoa. Các hội nghị, hội thảo liên hệ đến ngành Giáo dục Tăng Ni thường có ý kiến đề nghị Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cần thực hiện gấp sách giáo khoa Phật học để việc dạy được thống nhất, đồng bộ. Đề nghị này là chính đáng, nhưng cần xét thêm về ý nghĩa, hoàn cảnh và quan niệm về sách giáo khoa.
Qua các dò hỏi, chúng tôi được biết nhiều vị Giảng sư Phật học hiểu rằng sách giáo khoa là sách được soạn theo từng môn học, từng lớp học, từng bài học được ấn định sẵn để người dạy theo đó mà thực hiện. Quan điểm cho rằng sách giáo khoa có phân chia từng bài, từng tiểu mục của bài thực ra là do lấy các sách giáo khoa của các trường Trung Tiểu học Việt Nam làm mẫu. Tổng số học sinh đến các trường này là hàng chục triệu em. Với số học sinh lớn như vậy, ngành giáo dục rất cần sách giáo khoa có phân chia từng bài và từng tiểu mục của bài để tạo sự đồng bộ trong dạy và học. Ở nhiều nước, sách giáo khoa do Bộ Giáo dục soạn không phải là nhiều, phần lớn là do tư nhân hoặc giáo viên soạn theo chương trình của bộ Giáo dục.
Chúng tôi có dịp được xem một số sách gọi là sách giáo khoa Phật học tại Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Campuchia… và chúng tôi không hề thấy các sách ấy được soạn theo từng bài như kiểu sách giáo khoa dùng cho các trường Trung Tiểu học Việt Nam. Sách giáo khoa Phật học ở các nước ấy là những sách được công nhận dùng để giảng dạy ở trường. Thế thì sách giáo khoa gần như là sách tham khảo, chỉ khác là đề tài thuộc nội dung Phật học và được chính thức công nhận dùng cho giáo viên và học sinh khi học Phật học. Và với ý nghĩa này thì hơn 20 năm trước, khi soạn đề cương chương trình Phật học ở các trường Sơ, Trung cấp, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đã đề ra các sách cần tham khảo, tức là một dạng sách giáo khoa.
Thật vậy, nếu xem một số định nghĩa ở các Từ điển nổi tiếng như Thesaurus, Merriam Webster Dictionary.com, English Dictionary for Learners…và tra từ Textbook, ta sẽ thấy các giải thích sau, “sách được soạn để dùng ở các trường và các Đại học, giáo sư viết và yêu cầu học sinh mua,”; “một quyển sách được dùng để nghiên cứu một môn học,”; “một quyển sách được học sinh dùng như là một tác phẩm viết về một ngành học đặc biệt,”; “sách giáo khoa là một cuốn sách gồm những dữ kiện về một đề tài được người ta sử dụng khi nghiên cứu về đề tài ấy.” Nếu quan niệm sách giáo khoa như thế thì việc công nhận một số sách Phật học hiện nay làm sách giáo khoa là không khó. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cũng đã có văn thư chính thức đề nghị các giảng viên ở các trường Trung cấp Phật học gửi các bài đã soạn cho môn mình phụ trách để Ban có thể góp ý, bổ sung và chọn làm sách giáo khoa nhưng đã vài năm qua không thấy hồi đáp. Ban cũng đã phân nhóm để tiếp nhận ý kiến, tiếp nhận các bài soạn từ các giảng sư, nhưng vẫn không thấy sự đóng góp của các giảng sư. Trong khi đó, chúng tôi thật ngỡ ngàng khi đọc một bài viết của một tu sĩ trẻ đăng trên một nhật báo, bảo rằng rất ngạc nhiên khi hiện nay không có sách giáo khoa Phật học.
Chúng ta cũng cần hiểu rằng từ thời chấn hưng Phật giáo đến nay, một số trường Phật học, Phật học viện, các trường Bồ Đề, và cả trường Đại học Vạn Hạnh…cũng chưa hề có sách giáo khoa Phật học được soạn thành bài, thành tiểu mục …như nhiều người yêu cầu! Các trường Bồ Đề từ trước 1975 là những trường tư thục, dạy theo chương trình của nhà nước và mỗi tuần có một giờ học giáo lý, cũng không có sách giáo khoa Phật học. Hiện nay, ở Hàn Quốc có khoảng 400 trường trung học tư thục do các tôn giáo lập, gồm 20 truờng của Phật giáo, 60 trường của Thiên Chúa giáo, 270 trường của Tin lành và một số trường của các tôn giáo khác. Vấn đề sách giáo khoa cũng được đặt ra, và sách giáo khoa về Phật học được soạn, gồm các đề tài nhỏ, được bộ Giáo dục công nhận và được dạy ở trường tư thục do Phật giáo lập, mỗi tuần chỉ học một giờ giáo lý. Nếu sách giáo khoa được soạn theo cách này và trong hoàn cảnh hiện nay thì thật dễ dàng vì chỉ cần mươi cuốn là đủ.
Đằng này, theo yêu cầu của khá đông giảng viên ở các trường Trung cấp Phật học của nước ta hiện nay là có sách giáo khoa cho từng môn, soạn từng bài, áp dụng cho từng năm học. Trong khi đó, chương trình Trung cấp Phật học lại gồm mươi mười lăm môn, học trong bốn năm, như vậy thì phải cần đến năm sáu chục đầu sách, phục vụ cho chỉ vào khoảng 2.000 Tăng Ni sinh Trung cấp Phật học; tức là mỗi cuốn nhằm phục vụ cho khoảng chưa tới 500 Tăng Ni sinh. Lại nữa, như đã nói, chưa có giảng viên nào đáp ứng lời kêu gọi của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương mà gửi về cho Ban phần soạn giảng của mình về môn mình phụ trách!
Vấn đề trước mắt là hãy sử dụng các sách tham khảo do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đã nêu, đồng thời, các giảng viên hợp tác với Ban để dần dần thực hiện các sách giáo khoa như yêu cầu.
Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có 4 Học viện, 9 lớp Cao đẳng và 30 trường Trung cấp Phật học. Phẩm chất giảng dạy có thể có phần nào chênh lệch giữa các trướng nhưng không phải là quá lớn. Tăng Ni sinh Trung cấp được tuyển vào các Học viện vẫn học tốt, du học cũng đạt kết quả như ý. Nay đã có khoảng 100 Tiến sĩ Phật học và khoảng 100 vị đang học cấp Thạc sĩ hoặc chuẩn bị trình luận án Tiến sĩ. Như vậy, người ta cũng có thể đánh giá tốt ngành Giáo dục Tăng Ni qua quá trình 30 năm hoạt động, mặc dù có vài phần hạn chế vì lý do hoàn cảnh khách quan. Tuy vậy, ngành Giáo dục Tăng Ni vẫn còn nhiều việc phải làm để ổn định và phát triển các hoạt động. Sự thiếu đồng bộ như đã nói, là một khuyết điểm của ngành; ví dụ, cùng là đào tạo Cử nhân Phật học, nhưng cả bốn Học viện Phật giáo hiện nay chưa có sự thống nhất về chương trình giảng dạy. Chúng tôi đã có những lần họp sơ bộ nhưng chưa đủ để có thể bàn kỹ hơn, tiến đến sự thống nhất trong giảng dạy và học tập. Dự án lập kế hoạch thành lập trường Sư phạm Phật giáo vẫn chưa thực hiện. Mong sao, sau hội thảo này, các vị đại diện ngành Giáo dục Tăng Ni sẽ bàn bạc cụ thể hơn về các vấn đề quan trọng này.
Sau cùng, một lần nữa, tôi xin cảm ơn chư liệt vị. Cầu mong Tam Bảo gia hộ cho những hoạt động vì Đạo vì Đời của chúng ta; cầu mong hoạt động của ngành Giáo dục Tăng Ni ngày càng mở rộng và càng có phẩm chất khả quan, theo đúng tôn chỉ, mục đích của Giáo dục Phật giáo mà giáo pháp của Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni đã ban bố.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
 
 
HT.TS Thích Chơn Thiện
Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương
Trang chủLiên hệ