Sáng 04/1/2018, tại hội trường Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (H.Sóc Sơn, Hà Nội), Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư long trọng tổ chức lễ công bố chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học của GHPGVN.
Chính phủ chấp thuận cho GHPGVN đào tạo sau Đại học
Quang cảnh buổi lễ
HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; chư tôn đức Phó Chủ tịch HĐTS: HT.Thích Giác Toàn, HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Quảng Tùng, HT.Đào Như, TT.Thích Thanh Quyết; TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; chư tôn đức Thường trực HĐTS, Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư, lãnh đạo - điều hành của 4 Học viện Phật giáo VN, hơn 600 Tăng Ni sinh của Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội cùng dự lễ.
Ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Cục trưởng Cục PA88 - Bộ Công an; đại diện các ban ngành chức năng của trung ương và TP.Hà Nội tham dự.
Niệm Phật khai lễ
Tại buổi lễ, HT.Thích Giác Toàn phát biểu nói về công tác giáo dục Phật giáo hiện nay - nhắc tới nội dung liên quan dự thảo tu chỉnh Hiến chương Giáo hội tại Đại hội VIII vừa qua, về việc thay đổi danh xưng Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư thành Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư - đã mở rộng phạm vi và đối tượng của giáo dục Phật giáo. Theo đó, từ nay các cấp học thuộc Ban Giáo dục Phật giáo bao gồm cả tứ chúng, cả tại gia và xuất gia.
Hòa thượng thông tin việc đào tạo thử nghiệm Thạc sĩ Phật học ở Học viện PGVN tại TP.HCM được đánh giá đạt yêu cầu, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có chủ trương cho phép các Học viện có đủ điều kiện được mở hệ đào tạo sau Đại học, đào tạo bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học.
Trên tinh thần đó, Hòa thượng lưu ý cần phải đầu tư nhiều về trí lực, nhân lực và tài lực cho hai nhiệm vụ này.
HT.Thích Giác Toàn phát biểu
Trong đề xuất nhiệm vụ sắp đến, Hòa thượng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN cho rằng nên mở rộng đối tượng giáo dục Phật giáo - có thể triển khai ngay ở cấp Mầm non, Mẫu giáo và Tiểu học ở các địa phương.
Với hệ đào tạo sau Đại học Phật học, Hòa thượng cho rằng, cũng như nền Giáo dục quốc dân, mô hình Giáo dục Phật giáo phải là hình chóp: Giáo dục cơ sở Phật học phải căn cơ vững chắc; phải là kết tinh của hệ thống giáo dục Phật giáo đang vận hành, thể hiện rõ thế mạnh, bản sắc của mỗi cơ sở đào tạo.
"Dù dưới hình thức hay cấp độ nào thì mục tiêu của giáo dục và đào tạo trong hệ thống Giáo dục Phật giáo Việt Nam đều nhắm đến là "Nhân bản - Trí tuệ - Phục vụ đạo pháp & dân tộc", HT.Thích Giác Toàn nhấn mạnh.
Tiếp đến, ông Lê Trung Kiên, Phó Vụ trưởng - Ban Tôn giáo Chính phủ công bố chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ của GHPGVN.
Ông Bùi Thanh Hà trao văn bản vừa được công bố và chúc mừng Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư nhân sự kiện quan trọng này.
Ông Bùi Thanh Hà trao văn bản của Thủ tướng
TT.TS.Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo T.Ư, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội lên công bố Hội đồng Khoa học của Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư gồm Ban cố vấn có HT.Thích Trí Quảng, HT.Dương Nhơn, HT.Thích Thanh Nhiễu, HT.Thích Thiện Pháp, HT.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Gia Quang, HT.Thích Quảng Tùng, HT.Thích Giác Quang. Hội đồng Khoa học có 24 vị do TT.TS.Thích Thanh Quyết làm Chủ tịch. Riêng, Hội đồng khoa học của Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội có 16 vị do HT.TS.Thích Thanh Đạt làm Chủ tịch.
TT.Thích Thanh Quyết công bố Hội đồng Khoa học của Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư
Ông Bùi Hữu Dược thay mặt Hội đồng Khoa học Học viện PGVN tại Hà Nội phát biểu, chia sẻ về giáo dục đại học của một số nước trên thế giới, ông nói "họ quan niệm Phật giáo là một môn khoa học văn hóa nhân loại", đồng thời chúc Tăng Ni sinh phấn đấu tu học tốt…
HT.Thích Bảo Nghiêm phát biểu, cho rằng, trong giáo dục Phật giáo còn có những khó khăn do chủ quan hoặc lịch sử để lại, nhưng Trung ương Giáo hội sẽ cùng lãnh đạo Ban Giáo dục Phật giáo và các địa phương sớm có giải pháp khắc phục, đảm bảo sự phát triển bền vững của Giáo dục Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng khẳng định, việc Chính phủ có chủ trương cho ngành Giáo dục Phật giáo đào tạo sau Đại học thể hiện sự tin tưởng, là dấu mốc quan trọng - đánh dấu việc GHPGVN đã có một hệ thống Giáo dục Phật giáo hoàn chỉnh, từ Sơ cấp đến Tiến sĩ Phật học...
Chụp hình lưu niệm
Dịp này, lãnh đạo Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư đã đón nhận những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng của các cơ quan đoàn thể.