In trang này
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế: Nhìn lại một chặng đường (2009 – 2013)
Cập nhật ngày: 26/07/2017 12:00:00
Nhìn lại không phải để hoài niệm mà chính là để đi tới. Bởi thế, trên lộ trình giáo dục đào tạo với những chặng đường nhất định, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế luôn có kế hoạch để soi rọi và đánh giá lại chính mình, khẳng quyết sứ mệnh và định hướng tương lai. Giờ đây, sau mỗi bốn năm với hai mùa kết trái đơm hoa, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đang thực hiện công cuộc nhìn lại chính mình với bốn mảng hoạt động trọng tâm làm thành xương sống của Học viện như sau:

I.  ĐIỀU HÀNH VÀ QUẢN TRỊ

Học viện theo thời gian phát triển đã có nhiều thay đổi về nhân sự và mô hình quản trị. Đặc biệt, tiếp theo việc chuyển đổi mô thức tuyển sinh hai năm một lần, với sự tuyển sinh khóa IV (2007), Học viện đã tiến hành cải tổ toàn triệt bộ máy quản trị hành chính: chuyển từ thiết chế 'một hội đồng' (Hội Đồng Điều Hành) thành thiết chế 'hai hội đồng': Hội Đồng Chỉ đạo và Hội Đồng Điều Hành. Sự chuyển đổi mô hình quản trị này là bước cần thiết, chuẩn bị cho việc mở rộng và nâng cao tầm hoạt động của Học viện, và tạo những khoảng không gian cho lớp trẻ kế thừa đóng góp và phục vụ.

Cơ cấu lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, trẻ hóa nhân sự và phân nhiệm chuyên môn đã và đang là xu thế hiện đại, nên, dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Viện trưởng Thích Chơn Thiện, vào đầu niên học 2009 – 2010 Học viện cũng đã tiến tới nâng cao và hệ thống lại các hoạt động tổ chức ban ngành của Học viện với các phòng ban chức năng, như: Phòng Tổ chức hành chánh, Phòng Đào tạo, Phòng Sinh viên vụ, Phòng Thư viện- Thông tin, Phòng Tài vụ, và Phòng Nghiên cứu – dịch thuật. Học viện cũng hệ thống lại cụm môn học thành các bộ môn theo hướng phân ngành chuyên môn. Đó là: 1. Nguyên Thuỷ và Phật giáo bộ phái, 2. Phật giáo Đại thừa Phát triển, 3. Luật học Phật giáo, 4. Triết học và Triết học Phật giáo, 5. Văn học và Văn học Phật giáo, 6. Lịch sử và Lịch sử Phật giáo, 7. Cổ ngữ Phật học Sanskrit và Pali, 8. Hán - Nôm, và 9. Sinh Ngữ: Anh ngữ và Trung ngữ.

Đi cùng với việc nâng cao và hệ thống hóa tổ chức ban ngành chuyên môn, Hội đồng Điều hành Học viện cũng đã thực hiện soạn thảo và ban hành các quy chế tu chỉnh về hoạt động tổ chức, đào tạo, công tác sinh viên, quản lý tài chánh, và thư viện – thông tin của Học viện. Thiết định lại mô hình quản trị như thế, Học viện thực sự đã và đang thực hiện một bước đi dài trên lộ trình hướng tới ổn định và phát triển bền vững.

II. QUAN HỆ VÀ HỢP TÁC GIÁO DỤC

Chủ trương nhất quán của Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Huế là song hành với giáo dục đào tạo đại học của các Học viện Phật giáo Việt Nam, hòa vào dòng chảy của giáo dục đại học quốc gia và quốc tế. Thực hiện chủ trương này, trong những năm gần đây Học viện đã không những tiếp tục duy trì mà còn tăng cường mối liên hệ hợp tác giáo dục với các cơ sở giáo dục Đại học và Phật giáo trong nước, chẳng hạn:

-          Trao đổi giáo thọ / giáo sư với 3 Học viện Phật giáo, Đại học Huế, Viện Đại học Quốc gia Hà Nội…

-          Phối hợp với Hội đồng Giáo dục quốc phòng –an ninh Trung ương tổ chức lớp GDQP-AN cho các Tăng Ni sinh viên Học viện

-          Cùng chư tôn đức của các Học viện Phật giáo trong nước tham dự Hội nghị toàn quốc mở rộng của Ban Giáo dục Tăng Ni Tăng Ni Trung ương tại Học viện Phật giáo Hà Nội – Sóc Sơn, vào tháng 5 năm 2012, để bàn về việc thống nhất chương trình đào tạo Trung Cấp Phật học, liên thông chương trình đào tạo với 3 Học viện Phật giáo khác trong nước, hoạch định chương trình Cao học Phật học. Trong đó, Học viện Phật giáo Huế đảm trách soạn thảo chương trình đào tạo Cao học Phật học để trình thông qua tại Hội nghị.

Đối với quan hệ ngoài nước, Học viện đã luôn hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục với các cơ sở giáo dục đại học ngoài nước và các giáo sư, nhân sĩ trí thức Việt kiều. Chẳng hạn:

-         Cử đại biểu tham dự Hội nghị Vesak Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan.

-         Trao đổi kinh nghiệm và quản lý giáo dục với các Đại học Phật học Thái Lan, như Đại học Hoàng gia Thái Mahachulalonkorn, Đại học Mahamakut, Đại học Nakhon, và các Đại học Phật giáo Đài Loan, như Đại học Phật Quang Sơn, Đại học Tam Tạng, v.v.

-         Giới thiệu Tăng Ni sinh viên đã tốt nghiệp đi du học ở các nước như Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản,…

-         Mời nhiều vị giáo sư, học giả Việt kiều như Giáo sư Bác sĩ Trần Trung Hỷ, Pháp, Tiến sĩ Hồng Quang, Mỹ,…,về Học viện để trình bày các chủ đề chuyên đề Phật học và xã hội khác nhau.

Như thế, việc hội nhập và hợp tác giáo dục của Học viện để phát triển nguồn lực đã không chỉ là một nỗ lực hướng đến mà còn đang được ngày một phát triển và nâng cao để xứng tầm là một trung tâm giáo dục đại học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

III. CÔNG TÁC SINH VIÊN

Tăng ni sinh viên Học viện được tuyển từ các vùng miền khác nhau trong khắp nước. Theo đúng chỉ thị của Ban Tôn giáo Chính phủ và cũng nhằm phù hợp với điều kiện và quy mô đào tạo của Học viện, số lượng Tăng Ni sinh viên được tuyển sinh mỗi khóa dao động trong khoảng trên dưới 200 Tăng Ni. Bắt đầu từ năm 2007, với thể chế tuyển sinh gối đầu 2 năm / 1 khóa, số lượng Tăng Ni sinh viên của Học viện đã được tăng lên. Tính từ niên khóa 2009 đến nay 2013, Học viện có khoá IV với 57 Tăng Ni sinh viên đã tốt nghiệp vào năm 2011, khóa V (2009 – 2013) với 154 Tăng Ni sinh viên vừa qua kỳ thi tốt nghiệp, khóa VI (2011- 2015) có 41 Tăng Ni sinh viên đang bước vào năm học thứ III, và khoá VII (2013 – 2017) với 232 Tăng Ni sinh vừa được trúng tuyển.

Thể hiện tinh thần và mục tiêu giáo dục của Học viện là đào tạo Tăng tài phục vụ Giáo hội và đất nước, Hòa thượng Viện trưởng và Hội đồng Điều hành Học viện chủ trương không thu học phí Tăng Ní sinh viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Tăng Ni sinh viên Học viện hoàn toàn yên tâm học tập. Các Tăng sinh viên ngoại tỉnh hoặc được sắp xếp chổ ở tại ký túc xá trong khuôn viên của Học viện (thường gọi là Nội xá Tăng), hoặc được Học viện giới thiệu đến trú ở những chùa chung quanh thành phố Huế. Các Ni sinh viên ngoại tỉnh cũng vậy, hoặc được sắp xếp trú ở 2 ký túc xá Ni ở Ni Viện Hồng Ân và Ni viện Diệu Đức, hoặc được giới thiệu đến trú ở những chùa Ni quanh thành phố Huế.

Theo Tăng Ni sinh đã gương mẫu theo đúng nội quy, tham gia sinh hoạt lớp và hoạt động Phật sự của Học Viện. Với tâm của người con Phật, với hào hứng của tuổi trẻ, Tăng Ni sinh đã tham gia tự nguyện các công tác, từ những hoạt động trên lớp đến các hoạt động của Học Viện và giáo hội. Sau đây là một vài hoạt động điển hình:

-         Hân hoan mừng đại lễ Phật Đản hàng năm, Quý Tăng Ni sinh đã trang hoàng cơ sở Học Viện, thiết kế bàn thờ, làm xe hoa, thuyền hoa; đặc biệt từ Vesak 2008 đến nay, Tăng Ni sinh viên Học viện luôn được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế giao trách vụ thiết kế 7 hoa sen trên sông Hương, một công trình được dư luận vô cùng khen ngợi.

-         Tăng Ni sinh đã tham gia hiến máu nhân đạo hàng năm, thăm và tặng quà cho người khiếm thị tại chùa Hải Đức và cho bệnh nhân thần kinh tại Kim Long, thăm và tặng quà tại Cô Nhi Viện chùa Đức Sơn.

-         Nhân cuộc Hội thảo khoa học Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung Ương tổ chức tại Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Sóc Sơn vào tháng 5 năm 2012, Tăng Ni sinh viên Học viện đã tham dự Hội thảo, giao lưu sinh viên thân mật giữa 2 Học viện, và tổ chức tham quan học tập tại các tỉnh thành miền Bắc.

Báo chí là hoạt động khá nổi bật. Có đến 4 nội san, mỗi năm học ra một số, mỗi số dày khoảng 250 trang, với bài vở phong phú về nội dung và thể loại. Đặc biệt, Hoà thượng Viện trưởng, quý chư tôn đức, chư vị giáo thọ sư, giáo sư, kể cả giáo sư ngoài nước đã đóng góp bài rất có giá trị, đem lại chiều sâu tư tưởng cho các nội san Hương Đạo này. 

IV. ĐÀO TẠO VÀ THÀNH QUẢ ĐÀO TẠO

Chương trình đào tạo

Trên tinh thần cải cách giáo dục của Ban Giáo Dục Tăng Ni TW – Giáo hội PGVN liên quan đến hệ thống hóa chương trình đào tạo các cấp (Trung cấp, Cao Đẳng, và Học viện) theo hướng liên thông và hòa nhập với nền giáo dục trong nước và thế giới, chương trình đào tạo cấp Cử nhân Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Huế được cải cách theo ba tiêu chí sau đây:

1.     Kế thừa và phát triển từ những giá trị và thành tựu của chương trình đào tạo theo học chế niên chỉ đang được áp dụng tại Học viện.

2.     Tạo bước đệm cho việc hòa nhập vào hệ thống giáo dục trong nước và thế giới ở cấp đại học và sau đại học.

3.     Chuẩn bị cơ sở về mặt thiết chế giáo dục cho việc xây dựng và thành lập khung hình đào tạo trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ ở Học viện.

Nhắm đến tiêu chí thứ nhất, hướng cải cách chương trình đào tạo trình độ Cử nhân Phật học của Học viện là vẫn giữ nguyên thiết chế 4 năm / 1 khóa, nhưng các môn học được thiết kế và phân bố linh hoạt hơn. Với tiêu chí thứ hai và thứ ba, các môn học được nhóm thành các học phần chuyên biệt, và phân thành 3 khối kiến thức là khối kiến thức chung, khối kiến thức cơ sở ngành và khối kiến thức chuyên ngành, đồng thời hướng tới xây dựng hệ thống mã hóa tên môn học.

Khối kiến thức chung bao gồm các môn học Ngoại điển liên quan đến Văn, Triết, Sử, Tâm lý, Xã hội, Giáo dục, Tin học, và Ngoại ngữ. Đây là khối kiến thức văn hóa nền và được phân bố chủ yếu vào năm thứ nhất của chương trình. Khối kiến thức cơ sở ngành là khối kiến thức chung liên quan đến Phật học, và được phân bố chủ yếu vào năm thứ hai và thứ ba. 2 năm cuối chủ yếu dành cho các học phần thuộc chuyên ngành Phật học.

Như vậy, chương trình và hoạt động đào tạo của Học viện thể hiện triết lý giáo dục của Học viện, và cũng là triết lý giáo dục của Ban Giáo dục Tăng Ni TW. GHPGVN. Mục đích của triết lý giáo dục đó là không chỉ đào tạo nên những nhà Phật học mà còn nhằm đào tạo nên những thế hệ tu sĩ kế thừa của Phật giáo Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc cung cấp các nguồn kiến thức Phật học cho Tăng Ni sinh viên, Học viện còn đặt chú trọng vào việc huấn luyện đạo đức Phật giáo cũng như cung cấp cho Tăng Ni sinh viên các môn học ngoại điển bổ trợ khác nhau.

Tuy vẫn mang sắc thái tự trị và đặc thù của một Đại học Phật giáo vùng miền – xứ Huế, nhưng nói chung, nội dung chương trình đào tạo của Học viện vẫn trung thành với chương trình do Ban Giáo dục Tăng Ni TW, GHPGVN hoạch định. Cũng vậy, tuy mang tính đặc thù riêng của một Đại học Phật giáo, nhưng Học viện vẫn luôn nỗ lực hướng tới hòa vào dòng chảy chung của giáo dục đại học nước nhà. Đặc biệt, với sự thành lập bộ phận chuyên trách chuyên môn: Phòng Đào tạo (trước đây là Ban Học vụ), và với Quy chế tu chỉnh về hoạt động và chương trình đào tạo, Học viện đã thực hiện một số cải tổ quan trọng hướng đến chuyên nghiệp đại học, như:

-         Thành lập các khối bộ môn nhằm hướng đến phân ngành và phân khoa sau này cũng như hệ thống và hoàn thiện các đề cương giáo án/giáo trình giảng dạy.

-         Từ trên cơ sở khung hình và chương trình đào tạo được hoạch định bởi Ban Giáo dục Tăng Ni TW, Học viện đã thực hiện một chỉnh đổi về cách phân khối kiến thức: từ cách phân khối theo Nội điển và Ngoại điển thành khối kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành. Sự phân khối kiến thức này phù hợp với khung hình và chương trình Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chuyển đổi từ thiết chế niên chỉ môn học sang thiết chế học phần nhằm tạo cơ sở cho việc tiến tới thiết chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ mà các đại học trong nước đang thực hiện.

Thành quả đào tạo

Từ ngày thành lập đến nay, khu vườn giáo dục Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã có 5 mùa kết trái đơm hoa với 7 khoá đào tạo Cử nhân Phật học: Khóa I (1997-2001) với 159 Tăng Ni Sinh viên, khóa II (2001-2005) với 163 Tăng Ni sinh viên, khoá III (2005-2009) với 182 Tăng Ni sinh viên, Khóa IV (2007-2011) với 67 Tăng Ni sinh viên, khoá V với 154 Tăng Ni sinh viên, khoá VI với 41 Tăng Ni sinh viên đang học năm thứ III, và khoá VII với 232 Tăng Ni sinh viên vừa được tuyển sinh.

Trong số những Tăng Ni sinh viên đã được tốt nghiệp, phần lớn đã trở về hoạt động và phục vụ đắc lực tại các cơ sở khác nhau của Giáo hội địa phương, và hơn 30 Tăng Ni sinh viên đã được Học viện giới thiệu đào tạo nâng cao ở nước ngoài như Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. Một số Tăng Ni sinh viên khóa I, khoá II, và khoá III, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các Đại học nước ngoài khác nhau cũng đã trở về nước và đang tham gia vào các công tác khác nhau của Giáo hội.

V. NHẬN ĐỊNH VÀ TƯƠNG LAI

Trên đây chỉ là một phác họa vài nét cơ bản và tổng quát về những chuyển biến trong hoạt động tổ chức cũng như thành quả trong hoạt động đào tạo chung của Học viện từ niên học 2009 đến nay. Đạt được những thành tựu như thế chính bởi Học viện đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát của chư Tôn đức trong Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, và Ban Trị sự tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế cũng như sự hỗ trợ của lãnh đạo chính quyền các cấp, và sự bảo trợ đầy đạo tình của nhiều Phật tử trong ngoài nước.

Tóm lại, nhìn lại là để đi tới, trong bốn năm qua với định hướng: kế thừa, ổn định và phát triển, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế với nhiều nỗ lực hoàn thiện chính mình đã tương đối phần nào hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng do GHPGVN giao phó: giáo dục, và đào tạo Tăng tài cho Giáo hội, xây dựng những công dân "tốt đạo đẹp đời" cho đất nước.

Luôn ý thức rằng không có con đường nào cao đẹp bằng con đường giáo dục và cũng không có con đường nào đầy những thách thức và trăn trở như con đường giáo dục, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế với phương châm hành động: Văn – Tư – Tu đã và đang nỗ lực hướng tới hoàn thiện chính mình để trở thành một trung tâm giáo dục đại học Phật giáo Việt Nam ở khu vực miền Trung, ngang tầm với các đại học khác trong nước, khu vực và quốc tế.

 

                                  TT.TS Thích Nguyên Thành

     (Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Đào tạo)

In trang này